Thứ sáu, 17/01/2020 - 05:39 PM

Ý NGHĨA CỦA TRUYỀN THỐNG CÚNG ĐƯA ÔNG TÁO VỀ TRỜI NGÀY 23 THÁNG CHẠP CỦA NGƯỜI VIỆT

Ngày 23 tháng Chạp hằng năm (ngày Táo quân) vốn là một ngày lễ quan trọng của người Việt. Người Nam gọi là “đưa ông Táo về trời”, người Bắc gọi là “Tết ông Công ông Táo”. Theo quan niệm truyền thống, trong ngày này, các gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cỗ cúng tươm tất để tiễn các vị thần Đất, thần Nhà và thần Bếp lên chầu Ngọc Hoàng.

Mâm cỗ cúng ông Táo cũng là cách người Việt thể hiện sự biết ơn với các vị thần trong việc mang lại may mắn, hạnh phúc, sức khoẻ cho cả gia đình trong một năm.
Ngày ông Táo về trời sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình. Cá chép là phương tiện để các ông Táo về trời, nên đó là lý do các gia đình ở miền Bắc thường mua 3 con cá chép bên cạnh mâm cúng. Sau khi cúng xong, cá chép sẽ được thả xuống sông, hồ phóng sinh.

Có nhiều người thắc mắc, tại sao ông Táo lại cưỡi cá chép mà không phải là một con vật khác và tại sao cá chép lại có thể bay được?
GS Kiều Thu Hoạch – Nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu văn hóa dân gian nói: “Trong tiềm thức dân gian người Việt xưa, cá chép có thể hóa rồng và bay lên được. Vì vậy, người Việt đã việt hóa phong tục cúng ông Công ông Táo và chọn cá chép làm phương tiện để táo bay lên trời”.
Giáo sư Trần Lâm Biền – Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam cho biết thêm, trong âm dương, cá chép tượng trưng cho tính âm, đồng nhất với mặt trăng lên có thể bay lên được.
Ngoài ra, dân gian vẫn tương truyền sự tích “cá vượt vũ môn” để nói đến việc cá chép hóa thành rồng bay lên trời. Cá chép hóa rồng còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí và tượng trưng cho nhân cách thanh cao, tiềm ẩn, hướng đến một kết quả tốt đẹp.

Tuy nhiên ở miền Nam rất ít gia đình mua cá chép phóng sinh. Nếu có thì là ở các gia đình nhập cư ở miền Bắc vào. Mâm lễ cúng ông Táo của người Sài Gòn thường rất đơn giản, và ở các vùng quê Nam bộ còn đơn giản hơn, chỉ có đĩa mức dẻo hoặc thèo lèo và cái bánh phồng, thêm miếng dưa hấu. Không rườm rà phức tạp.
Theo GS Trần Lâm Biền, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo không cần thiết phải quá sang trọng, mâm cao cỗ đầy hay cúng bái những món vàng mã đắt tiền…
Trước khi làm cỗ cúng, các gia đình thường dọn dẹp nhà cửa, ban thờ cho gọn gàng, sạch sẽ.

Về thời điểm cúng đưa ông Táo, theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Võ Uyên Mi, ngày 23 tháng Chạp năm nay, gia chủ có thể cúng ông Công ông Táo vào khung giờ: 5h-7h hoặc 9-11h.
Chuyên gia lý giải: 5-7h sáng ngày 23 là giờ Mão – giờ Đại An.
Cúng Táo quân vào giờ này ngụ ý nhờ Táo quân mang đi những mâu thuẫn, xung đột trong gia đình, giúp gia đạo hưng vượng. Ngoài ra, tiến hành nghi lễ cúng vào giờ này còn mang tới sức khỏe tốt lành, sự bình an trong tâm trí gia chủ.
9-11h ngày 23 là giờ Tỵ. Đây là giờ Tốc Hỷ. Tiễn Táo quân lên chầu trời vào khung giờ này, Táo quân sẽ mau chóng đem về những chuyện may mắn vui vẻ, hứa hẹn trong năm mới cả gia đình có nhiều niềm vui và sự hóa giải kịp thời cho những xui xẻo có thể gặp phải.

Theo Vietnamnet.vn

CHẤT LƯỢNG HÀNG ĐẦU NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC